Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Lạc giữa rừng già - Có một đêm như thế!



18h00. Sau khi đã đánh chén 1 bữa thịnh soạn ngay vị trí lịch sử mốc 0, 4 người: 1 đội trưởng biên phòng dẫn đường (gọi tắt là gai), 1 bụng phệ (phệ), 1 cô gái (gái) và em xuống núi.
Lúc này, mặt trời mới biến sau đám mây nên vẫn còn tờ mờ thấy lối. Mới chỉ qua 2 ngọn núi (lúc lên e thấy phải vượt qua 4 ngọn lận), trời đã tối mịt không còn thấy gì. Người sau bám gót người trước mà đi, gai không dùng đèn pin vì muốn để dành lúc thật cần thiết. Lúc này gái vẫn luôn môm ca ngợi tài dẫn đường rừng của gai. Phệ hổn hà hổn hển thi thoảng ối ái do bị gai cào vào tay, vào cổ, vào mặt. Chết cái tội ăn mặc hở hang đi rừng! Em đi cuối cùng và cũng oai oái mỗi khi dẫm phải gai (cả đoàn em đi tất xỏ dép rọ nên gai vẫn xuyên thủng tất đâm vào da thịt đau buốt!). Cả nhóm khí thế hừng hực trừ phệ có vẻ rệu rã. Thỉnh thoảng Gai hát ngêu ngao một đoạn nào đó trong mấy bài kháng chiến chống Mĩ liên quan đến rừng núi như để động viên cả nhóm. Cao hứng gai bảo: giờ cắt rừng xuống cho nhanh, bác Phệ nghe chừng chân cộ có vấn đề, đi mấy cái chỗ đá tảng trơn trượt dốc ngược vất lắm. Nghe có lí, cả nhóm ok theo Gai, Phệ thì mừng ra mặt, ngắn được đoạn nào hay đoạn đó!
Sau 2 phát trượt dốc cắt rừng (cả em và gái cậy có "của ăn của để" nên cứ "lưỡng mông nhập địa" mà trượt như cầu trượt luôn, phê lòi mắt! Cũng sau 2 lần "cắt" đó (không phải cái gì "cắt" xong cũng tốt) gai mất phương hướng, lần mãi không ra đường. Càng đi càng thấy mịt mùng, mông lung....
Bốn xung quanh tối đen như mực, ánh đèn pin yếu ớt không nhằm nhò gì so với bóng tối dày đặc trùm xuống rừng già. Gai thoắt cái trèo lên ngọn cây ngó ngó, thoắt phịch xuống chạy loăng quăng trong khi Phệ, Gái và em đứng im như thóc, không nhúc nhích dường như sợ mỗi một cái di chuyển là dấn sâu thêm vào cái biển đen mịt mùng sâu thẳm. Gai lẹt xẹt loạt roạt một lúc quay về huơ huơ cái đèn tìm vị trí của 3 đứa em, đầu lắc quầy quậy như ma làm, nói chẳng thấy gì. Lúc này Gai như con thú bị thương, cứ lông lộn quay cuồng, đấm ngực thùm thùm tự lục vấn mình. Gai đã trăm lần dẫn đoàn lên mốc 0, được đồn trưởng tin yêu giao phó trọng trách dẫn đoàn du lịch đi khảo sát. Đã thế, quá tin vào kinh nghiêm và khả năng xử lý sự vụ của mình mà Đồn trưởng đồng ý cho đoàn đi mà không cần đem theo súng, anh sợ mình bị vác nặng. Mình đang làm nhiệm vụ ở xa, Đồn trưởng còn cho người đi đón về để giao nhiệm vụ... trăm lần thành công sao giờ lại lú lẫn thế nhỉ, mình ơi là mình!!!! Đoàn này mà không về được đêm nay, về biết ăn nói với Đồn trưởng sao đây? Rồi còn anh em nữa chứ, họ nghĩ gì??? Cả đồn lại thức trắng mất, rồi báo động, rồi cử người đi tìm, rắc rối, phức tạp quá! Mấy bạn này lại chưa đi rừng bao giờ, làm sao chịu nổi đêm rừng đây? Anh Phệ kia tưởng khỏe mà cũng mệt phờ rồi, chân lại co cơ, đi đứng sao nổi. Hai cô kia lớ nga lớ ngớ, rủi mà gặp rắn rết, nhất lại rắn xanh chắc chết! Kiểu gì cũng phải tìm cho ra đường về đêm nay... Sao mình lại lẫn thế không biết, trời ơi là trời... !
Gai sục sạo, vạch lá, vạch cây, bò lổm ngổm nhanh thoăn thoắt, đu từ cây này sang cây khác cứ như người rừng. Gái, em rồi Phệ cứ cắm mặt làm theo, chẳng còn thấy mệt gì nữa, cứ gai vạch lá chỗ nào, tụi em bám sau chỗ đó. Mặc kệ bùn nhão, sương đêm trên các cành lá quất vào mặt, vào người, thấm vào trong lạnh tê tái. Không còn cảm thấy đau chỗ nào, cứ luồn lách, bò, trượt, đu, lội, lặng lẽ không ai nói câu gì....
Còn tiếp....

Chuyện bây giờ mới kể



... bắt đầu leo núi từ 13h ngày 12/10, nhóm 1 gồm 4 người vượt qua 4 đồi cỏ gianh (rất sắc) lút đầu người do qua mùa mưa, chúng tôi là đoàn đầu tiên mở màn cho mùa khô năm nay chinh phục mốc 0 này. Gọi là đồi nhưng đường lên thì cứ dốc ngược
Được nghỉ 3 lần tại 3 cái "yên ngựa" để uống nước, chúng toi thấy dễ chịu hơn. Lúc này, những người ốm ốm 1 chút sẽ có lợi thế hơn những bác bụng phệ hì hì... Thực té, anh Vũ Anh, đồn trưởng đồn biên phòng 317 cũng khuyên những bác có bụng nên ở lại đồn thì hơn!
Trong đoàn 4 chúng tôi có bác 1 bác bụng phệ nên cứ ì à ì ạch mãi, mấy bước lại nghỉ, làm chậm tiến độ của đoàn.
Hết 4 đồi cỏ gianh, rừng già đại ngàn mở ra trước mắt chúng tôi một bức tường xanh rậm rì phía trước, nhìn về phía sau là bản làng nâu nâu chìm trong thung lũng xanh mướt

Bắt đầu vào rừng già, cảnh quan thay đổi làm chúng tôi cũng thấy phấn chấn hơn. Có đoạn dốc đứng, có đoạn thoai thoải, lại có đoạn đi qua suối nhỏ róc rách nghe như tiếng "nhạc rừng".

Bác bụng phệ đến lúc này thì quá mệt cứ phì phà phì phò, phải có sự trợ giúp của a biên phòng mí leo tiếp được.
Hai đứa con gái chúng tôi cảm thqays càng lên cao càng sung sức, chân chưa thấy mỏi, cứ thấy hơi mệt thì dừng lại khoảng 2 phút, lại đâu vào đó, leo tiếp.
Cuối cùng thì cũng đến mốc 0. Lúc này mặt trời bắt đầu lặn, tôi cố gắng chớp lấy khoảnh khắc hiếm hoi trên móc 0 này. Mặt trời dường như xấu hổ vì bị con người sáp lại gần chụp hình nên lủi xuống rất nhanh, y như ma đuổi! 18h00.

Rời mốc 0 được nửa giờ thì trời tối hản, lúc 8h30,chưa ra khỏi rừng già, mà bác bụng phệ thì kiệt sưc, chân tay mặt mũi bị gai cào xước te tua, chan phòng rộp, chuột rút, không đi nổi. Vậy là nhóm quyết định ngủ rừng một phen.
Anh biên phòng hăng hái chạy tìm củi khô, chẳng thấy củi khô toàn củi ướt (do sương và độ ẩm cao trong rừng). May mà anh biên phòng hút thuốc nên có thể có lửa, nhưng hỡi ôi, mở bao ra thì chỉ còn vẻn vẹn 3 que diêm (y như trong chuyện cổ tích vậy!).

Phải khéo léo lắm chúng tôi mới nhóm được đống lửa với những cành củi còn ướt đẫm sương mà chỉ mất 1 que diêm. 2 que kia phải để dành, giờ đây là tài sản quý giá nhất của chúng tôi để qua cái đêm này), khói bốc mù mịt, ho sặc sụa, bác bụng phệ lúc này cũng giúp anh biên phòng, cả hai cùng chổng mông thổi lửa

Khi những ngọn lửa leo lét đầu tiên bắt đầu cháy, chugns tôi thở phào nhẹ nhõm, cố gắng mang bít tất ướt sũng ra hong... Sương xuống dày hơn, lạnh thấu xương tủy. May mà anh em gói cho 2 nắm cơm to đùng , 2 hộp thịt và một bọc cá kho rất ngon nên chúng tôi cũng thấy ấm lòng. Tuy nhiên, nước uống mang theo thì hết từ khi chưa đến mốc. Vậy là bi đông và 2 cái chai được huy động để lấy nước suối lúc trước cũngg đủ cho chúng tôi qua đêm.

còn tiếp...

Chuyện bây giờ mới kể


Hành trình đến cực tây - A Pa Chải

Xuất phát từ Lào Cai, sau khi tàu LC1 đến chậm chừng hơn 1 tiếng, đoàn theo quôc lộ 4D về Sapa. Cà phê cà pháo bát ngát tận 11h mí nhổ rễ được (nói gì thì nói, thật khó dứt ra khỏi thú cà phê dưa lê dưa leo...). Vậy là muộn 3 tiếng so với hành trình ban đầu. Tuy nhiên đường từ Lào Cai đến Sapa, Bình Lư, Tam Đường, Sìn Hồ vẫn còn là đặc sản trong bữa cơm đạm bạc về đường xá vùng Tây Bắc việt nam. Đoạn này đèo dốc (mà dốc gắt) liên tục, quanh co, các xế thi nhau vỉa và luyện tay lái. Đến Sìn Hồ thì trời ập tối, sương mù dày hơn nên nhóm chúng tôi quyết định ngủ lại. Tại đây có khách sạn Thanh Bình rất ổn, giá 180K/đêm ở 2-3 người vô tư, có sân rông jdeer đỗ xe, lại bao cả ăn sáng, còn gì hơn thế!

Ngày thứ 2 chúgn tôi rời Sìn Hồ từ 7.30 sáng sau một bữa mì gói với rau cải và thịt bò rừng. Năng lượng sau một đêm ấm áp và bát mì đã đẩy chúng tôi ra khỏi cái thị trấn Sìn Hồ khi nó còn chìm trong sương sớm.
Lại một cung đường ngoằn nghoèo đèo dốc qua đèo Làng Mô và đèo Ma Thì Hồ, qua bản Chăn Nưa, bản Giang, Mường Lay, Mường Chà. Nghỉ ăn trưa tại ngã ba Mường Chà.

1h chiều, đoàn rời Mường Chà đi Si Pha Phìn, Chà Cang, Mường Nhé. Đây là đoạn đường nhiều đá, đất, bùn, đường hẹp lại quanh co, khó đi. Có những đoạn người cứ nảy tưng tưng trên đường đá. lại có những đoạn đất cứ nhão nhoẹt dưới bánh xe, bết chặt lại, ngã oành oạch, nhất là đoạn đường từ Mướng Nhé đi Sín Thầu, A pA Chải, đồn 317 đến Tá Miếu.


Suối trước khi vào xã Sín Thầu khá sâu, đoạn này phải tắt máy, dắt xe qua, nguwoif lội nước cugnx phải rất cẩn thận, vì có nhiều đá tảng lớn và trơn khủng khiếp. Sểnh chân là té liền!

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2009

HOANG SƠ ĐẢO QUAN LẠN


HOANG SƠ ĐẢO QUAN LẠN
Lênh đênh 4 tiếng đồng hồ trên vịnh Bái Tử Long quả là những giây phút thư giãn tuyệt vời nhất! Cứ nằm trên boong tàu ngắm nhìn những cụm mây bông trắng muôn hình muôn vẻ lững lờ trôi, vi vu gió, hây hây nắng, con tàu dần đưa ta đi qua những đảo đá vôi lớn nhỏ mà ta thỏa sức tưởng tượng ra hình hài và ý nghĩa của nó. Có chốn nào và lúc nào thư giãn lý tưởng bằng nơi đây và lúc này!
Còn cách đảo chừng 1 giờ tàu nữa, đảo nhỏ hiện ra như một con thằn lằn xanh nâu trên biển. Gần hơn nữa ta thấy những mái ngói màu cam nâu lấp lánh dưới nắng chiều như tô điểm thêm cho con thằn lằn biển ấy! Đặt chân lên cầu tàu Quan Lạn sau hành trình 4 tiếng vượt gần 60km, cái sung sướng ở đâu ào đến làm cả đoàn quên hết cả mệt mỏi! Gió lồng lộng với xung quanh là biển xanh và trời cũng xanh biếc dệt nên một bức tranh biển đẹp không sao tả xiết, quả là xứng đáng.
Đòan về khách sạn (nói cho oai vậy thôi cũng chỉ bằng nhà nghỉ bình dân) trên chiếc xe tôi chưa gặp bao giờ, máy nổ ròn rã y như tiếng công nông mà vỏ xe như xe khách khỏang 20 chỗ không nhãn mác thương hiệu gì cả, thôi cứ tạm gọi là "ô-tô". Thật bất ngờ khi anh tài xế mở băng nhạc Boney M hết cỡ với chiếc cassette tôi cũng chưa thấy bao giờ, nó chẳng có cửa băng, chỉ có mỗi trục để vừa vặn ghá cái băng vào, bấm 1 nút nào đó, thế là nhạc quá trời luôn! Cả đòan được một phen cười vỡ bụng mà vui tới bến.
Chúng tôi vừa ngồi (25 người, nhồi thì đúng hơn là ngồi, nhưng thế vui hơn là tách sang xe túc túc) vừa nhún nhảy hoặc đung đưa theo nhạc, có người cao hứng còn hát theo băng...trong khi xe vẫn chạy trên con đường nhỏ và duy nhất của đảo với một bên là rừng phi lao, đồi cát vàng (như ở Mũi Né), một bên là biển. Mùi hăng hăng của cây cỏ hoa lá rừng (như trên đường lên Tam Đảo hoặc Đà Lạt) cũng làm cho cả đòan khỏe hẳn ra và thêm fần sảng khoái.
Bữa tối trên đảo quả là thịnh sọan với những món có nằm mơ ở đất liền cũng không bao giờ thấy được: sá sùng tươi sào hẹ uống rượu quá đỉnh cho mấy bác họ Phan (ấy là Phan Đình Giót ý), cầu gai, cá đuối và dậu mai...
Ngoài đảo còn có rượu thanh mai đặc sản, thịt chó (cứ tưởng chỉ ở HN mới ngon) và rất nhiều cái đặc biệt mà mình sắp kể...
Đảo Quan lạn dài khỏang 15 km, chỗ hẹp nhất khỏang 1,5km có 3 bãi tắm chính là Quan Lạn, Sơn Hào và Minh Châu. Bãi Quan Lạn hình trăng lưỡi liềm trải dài khỏang 2km, cát vàng, phía sau bãi tắm là đồi phi lao (chỗ này rất lãng mạn cho những người yêu nhau), Sơn Hào cát trắng, sóng lớn thích hợp với những ai ưa mạo hiểm, còn Minh Châu ở ngay cạnh rừng Trâm nguyên sinh với cát trắng mịn màng nước trong văt nhìn thấu đáy. Đạp xe dọc theo đảo lúc sáng tinh mơ cũng là một cái thú không nên thiếu trong chuyến đi của bạn!
Như đã kể phía trên con Sá Sùng của đảo Quan Lạn đặc biệt ngon và rất được giá (thu mua 700K/kg, tại HN 1,5T/kg) nên nghề bắt sá sùng từ lâu đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho dân đảo. Đặc biệt hơn, ở đây chỉ có đàn bà con gái bắt sá sùng chứ đố bạn nhìn thấy bóng nam nhi nào trên bãi! Không biết có fải vì fụ nữ khéo léo hơn hay đàn ông ngại việc?
Bắt sá sùng nghe tưởng dễ nhưng quả thực không đơn giản chút nào! Để mục kích sở thị, bạn hãy đến Quan Lạn nhé!

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2009

Nouméa - Thiên đường giữa Trời và Đất

Với 15 ngày bận rộn thăm quan tại NC, vẫn thấy thiếu thời gian để có thể đi sâu khám phá cái vẻ đẹp tiềm ẩn về văn hoá, lịch sử và con người của hòn đảo này. Tuy nhiên những hé mở ban đầu về thông tin quả là hấp dẫn !
Người phát hiện ra hòn đảo này là thuyền trưởng James Cook khi ông và con tàu của mình mang tên "The Resolution" trên đường đến New Zealand vào năm 1774. Ông đã đặt tên cho hòn đảo xinh đẹp này là New Caledonia (NC), ta gọi là Tân Thế Giới (nhiều người gọi nhầm là Tân Đảo). Trong chuyến đi này, ông cũng đã tiếp xúc với những người thổ dân Kanak thuộc nhóm dân tộc Mê-la-nê-di, những người đầu tiên mang ngôn ngữ và văn hóa đến đây khỏang gần 2000 năm về trước.
Năm 1853, dưới thời Na-pô-lê-ông đệ Tam, nước Pháp đã tuyên bố NC là thuộc địa của mình và cùng thời gian đó, họ khám phá ra nơi đây có một trữ lượng khóang sản khổng lồ hứa hẹn 1 tương lai tăng trưởng về kinh tế.
Hòn đảo này cũng trở thành nơi giam giữ nhiều tội phạm chính trị của nước Pháp trong những năm từ 1864 (đặc biệt là những chiến sĩ Công Xã Pa-ri và một vài chiến sĩ yêu nước Việt Nam, trong đó có người tham gia “vụ đầu độc Hà Thành”). Năm 1956, NC trở thành lãnh thổ hải ngoại của Pháp và từ những năm 70 thế kỷ trước có phong trào đòi độc lập của người kanak và dân cư khác.

....

New Caledonie - Thiên đường giữa trời và đất

Về lại nơi chôn nhau cắt rún của cha

Sau 2 chăng bay dài vượt qua hơn 9.000 cay số, chiếc máy bay của hãng Air Calin đã đuă 2 cha con đáp xúong phi trường Tontuta, tôi nhìn thấy và cảm nhận được sự bồi hồi, xúc động của ông trong mỗi bước chân, xúc động đến nghẹt thở.
Sau hơn 40 năm xa cách, ông mang đứa con gái duy nhất vè thăm lại chốn thiên đường này, mảnh đát đầy nắng, gió và biển xanh biếc... nơi ông đã sinh ra và lớn lên.



Nằm trên vùng biển Thái Bình Dương, NC (Nouvelle Calédonie) sở hữu những bãi tắm tuyệt đẹp trải đều dọc theo 2 bên sườn hình con sâu nho nhỏ của nó từ Mont-Dore, qua La Foa, Bourail, Koné, Voh, Koumac, Poum, Ouégoa, Hienghène, Poindimié, Houailou ve Yaté.



Hầu hết các bãi tắm này nước xanh biếc và trong nhìn thấu đáy, cát trắng mịn, mỗi bức hình mình chụp được đều có cảm giác như thấy đâu đó trong các carte postale bày bán tại các shop lưu niệm. Điều đáng nói ở đây là con người (dù là người da màu bản xứ) cũng biết quý trọng thiên nhiên và hết sức gìn giữ nó.
Trên phố ta có thể bắt gặp rát nhiều chim, sáo ung dung chơi đùa trên những thảm cỏ ven đường mặc người qua lại, có lẽ vì chúng không bị bất cứ mối đe dọa nào từ phía con người cả!






Không khí nơi đây rất trong lành, không bị ô nhiễm khói, bụi, vì vậy nên khi dến đây mình cảm thấy như khỏe hẳn ra với lượng oxy dồi dào trong lồng ngực.

Đầu mùa hè, khí hậu Nouméa mát mẻ, khô ráo, bầu tời trong, xanh biếc, không gì sướng hơn là đắm mình vào thiên nhiên với các địa danh như Baie de la Moselle, Vallée du Tir, Baie des Citrons, Anse Vata, Ouen Toro, hay Baie de Magenta, thỏa thích chụp hình ... ghi lại những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời nơi xứ người.

Còn tiếp....


Thứ Hai, 5 tháng 1, 2009

Chà Là - biểu tượng miền sa mạc

Từ hồi bé tôi đã từng biết đến cây chà là luôn gắn với vùng sa mạc cát cháy qua những cuốn truyện tranh của Pháp về nhân vật Tintin. Bấy giờ chỉ là biết qua tranh, qua truyện.


Giữa cái nắng chói chang và mênh mông cát sa mạc, hình ảnh cây chà là xanh mướt với chùm quả đỏ chín mọng in dấu trên nền trời xanh luôn tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp. Hình tượng cây chà là còn có thể thấy trên Quốc Huy của Ả Rập Xê-út nữa.


Trong tâm trí tôi thưở bấy giờ, cây chà là tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của thế giới Hồi giáo. Lớn lên, huyền thoại về các Kim tự tháp và các pharaoh cùng với mứt chà là ... bấy nhiêu thôi cũng đủ nuôi trong tôi một ước mơ được khám phá vùng sa mạc huyền bí này.

Thực ra cây chà là được trồng từ rất sớm giúp cho các bộ lạc du mục sống trên sa mạc rộng lớn của châu Phi. Người ta tìm thấy dấu tích của nó tại những điểm khai quật khảo cổ thời kỳ Đồ đá mới (Neolithic) cũng như trong các bình gốm của các pharaoh và vua chúa trong các lăng mộ của họ.


Ngày nay, trong tháng Ramadan của người Hồi Giáo, Chà là luôn là món ăn đầu tiên của họ trong ngày.

Trong chuyến đi Trung Đông mới đây, tôi mới có dịp ngắm nghía tận mắt cây chà là xanh tươi với những chùm quả đỏ chín mọng in dấu trên nền trời xanh biếc vùng Trung đông và nhấm nháp vị ngọt hơi chan chát của loại quả đặc biệt này.

Chà là có thể được bày bán tại chợ, trong siêu thị hoặc tại các bàn tiệc trong khách sạn sang trọng.


Khi tới khách sạn 5* Meridien tại thành phố biển Alexandria, tôi thật ấn tượng với chiếc rương nhỏ rất đẹp đựng mứt Chà là bày trên chiếc bàn chính giữa sảnh, ngay lối vào quầy lễ tân. Chắc hẳn người Ai cập thật tự hào và muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế về món ăn đặc sản này của đất nước họ.

Quả Chà là có 3 màu: vàng, đỏ tươi và đỏ sẫm. Người Ai Cập thường mua loại quả màu vàng, họ nói rằng loại này để được lâu hơn. Những quả màu đỏ hoặc đỏ sẫm thì chín hơn, ăn ngay thật tuyệt! Khi ăn chà là, bạn chớ ăn miếng to, vì nó sẽ rất chát! Nên nhấm từng miếng nho nhỏ, cái vị ngọt hơi chan chát dần chuyển thành vị ngọt lịm ngấm vào môi, vào lưỡi... ôi thật đã!

Nếu bạn muốn thưởng thức món chà là tươi chín mọng này, hãy đến thăm đất nước Ai Cập nhé!